Chương trình IB (Tú Tài Quốc Tế)

Chương trình Tú tài quốc tế (International Baccalaureate Diploma Programme hay IB) là chương trình học toàn diện được xây dựng nhằm phát triển kĩ năng, cung cấp kiến thức cho học sinh trong độ tuổi từ 16 đến 19, từ đó tạo điều kiện cho họ theo học các chương trình quốc tế bậc đại học và sau đại học. Bằng Tú tài quốc tế được công nhận bởi hầu hết các quốc gia, được đánh giá cao bởi các trường đại học hàng đầu thế giới, và được coi là một trong những bằng cấp “tiền-đại học” danh giá nhất hiện nay.

 Chương trình Tú tài quốc tế đem đến cho người học nhiều giá trị và cơ hội trong việc phát triển cá nhân, đưa ra những lựa chọn sáng suốt cũng như tôn trọng lẫn nhau trong môi trường quốc tế. Khi theo học chương trình này, học sinh được trang bị những kĩ năng và thái độ phù hợp để phát triển bản thân và thành công hơn khi học đại học, sau đại học và trong công việc, bao gồm:

 - Kiến thức sâu rộng trong những lĩnh vực quan trọng

- Phát triển thể chất, trí tuệ, cảm xúc và đạo đức

- Học cùng lúc ít nhất hai ngôn ngữ

- Phát triển vượt trội trong các môn học truyền thống

- Khám phá bản chất kiến thức thông qua chương trình học độc đáo

 Một yếu tố đặc biệt quan trọng nữa đó là chương trình danh giá này giúp sinh viên tăng khả năng đăng kí thành công vào các trường đại học hàng đầu trên thế giới. Ở một số quốc gia như Mỹ và Canada, bằng Tú tài quốc tế được coi là một điểm cộng trong hồ sơ ứng tuyển. Thực tế đã chứng minh tỉ lệ sinh viên có bằng Tú tài quốc tế được nhận vào trường cao hơn so với sinh viên bình thường. Nhìn chung, các trường ở châu Âu ưu tiên bằng Tú tài quốc tế hơn so với bằng cấp ba bình thường. Nếu không có bằng Tú tài quốc tế, nhiều trường đại học ở châu Âu có thể yêu cầu sinh viên thực hiện các bài kiểm tra năng lực tiêu chuẩn như SAT, ACT.

 Các môn học trong chương trình được chia làm 6 nhóm, mỗi nhóm bao gồm những môn học khác nhau cho phép học sinh đưa ra lựa chọn như sau:

- Ngôn ngữ và văn học (Nhóm ngôn ngữ A): Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hàn, tiếng Nhật;

- Ngôn ngữ thứ hai (Nhóm ngôn ngữ B): tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha;

- Cá nhân và xã hội: Lịch sử, địa lý, kinh tế học, hệ thống môi trường và xã hội

- Khoa học: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Hệ thống môi trường và xã hội;

- Toán học: toán học, nghiên cứu toán học;

- Nghệ thuật: Nghệ thuật thị giác (visual art), sân khấu, điện ảnh, bản chất của khoa học. (Riêng với nhóm Nghệ thuật, học sinh có thể lựa chọn để học thêm môn học của các nhóm khác để thay thế.)

 Các môn học cũng được chia theo trình độ cao (Higher level) và trình độ chuẩn (Standard level), khác nhau về phạm vi nhưng được đánh giá với cùng một thang điểm. Một khóa học trình độ chuẩn dài 150 giờ giảng dạy trong khi trình độ cao yêu cầu học sinh tham gia 240 giờ học. Mỗi học sinh cần học ít nhất 3 môn học (nhưng không quá 4 môn) ở trình độ cao và những môn còn lại ở trình độ chuẩn.

 Ngoài ra, với mục tiêu mở rộng trải nghiệm học tập của học sinh đồng thời thử thách họ trong việc áp dụng kiến thức và kĩ năng học được vào thực tế, chương trình Tú tài quốc tế còn yêu cầu tất cả học viên hoàn thành thêm một khóa Học thuyết kiến thức (Theory of Knowledge - TOK), qua đó học sinh được tìm hiểu về bản chất của kiến thức cũng như cách khẳng định về những kiến thức có được. Bài luận thường được giao có độ dài thường rơi vào khoảng 4000 để thử thách khả năng tự nghiên cứu, tự định hướng của học viên. Ngoài ra còn có chương trình Sáng tạo, Hành động và Dịch vụ (Creativity, Action and Service – CAS), trong đó học sinh cần hoàn thiện một dự án riêng gắn liền với ba yêu cầu này.

BẰNG TÚ TÀI QUỐC TẾ ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ RA SAO? 

 Các văn bằng IB được đánh giá thông qua các bài kiểm tra viết và bài thi cuối chương trình.

 Toàn bộ 6 môn học dù ở trình độ cao hay trình độ chuẩn đều được chấm trên thang điểm 7. Như vậy, nếu đạt điểm tối đa ở cả 6 môn, bạn sẽ đạt được số điểm cao nhất  là 42 điểm. Học viên có thể kiếm thêm các điểm phụ ví dụ như với môn Học thuyết Kiến thức và bài luận mở rộng, tương đương với 3 điểm phụ, nâng tổng số điểm tối đa lên 45 điểm. Để được nhận bằng, sinh viên phải đạt tối thiểu 24 điểm trong tổng số 45 điểm, tương đương với một điểm B và hai điểm C tại chương trình A-level của Vương quốc Anh. Nếu đạt được tối đa số 45 điểm, bạn sẽ được đánh giá ngang với 6 điểm A của A-level.

 Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có những điều chỉnh khác nhau và không phải lúc nào con số 24 cũng là tiêu chuẩn, vậy nên các bạn cần nắm rõ yêu cầu của chương trình học mà bạn đăng kí.